Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, ngành công nghiệp thép Việt Nam đến nay đã trở thành ngành công nghiệp quan trọng với sản lượng hơn 17 triệu tấn thép/năm, tiêu thụ lên tới 22,6 triệu tấn. Với sản lượng sản xuất và tiêu thụ thép này, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc mong muốn xin cấp phép xây dựng nhà máy thép ở Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần cân nhắc kỹ càng về hoàn cảnh thị trường sắt thép trong nước và uy tín của các doanh nghiệp Trung Quốc… theo chiều hướng chất lượng hơn là số lượng.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, các nhà đầu tư Trung Quốc đang muốn đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thép không gỉ ở Đồng Nai với sản lượng 300.000 tấn/năm.
Trong khi đó, nhu cầu thép không gỉ ở Việt Nam đang tăng lên nhanh, hàng năm phải nhập khẩu nhiều, riêng năm 2016 phải nhập khẩu 700.000 tấn; trong đó xuất khẩu 100.000 tấn. Trong khi thép không gỉ sản xuất trong nước mới chỉ có 2 đơn vị chính là Nhà máy VSC-POSCO (VPS) ở miền Nam 100% vốn Hàn Quốc và Inox Hòa Bình với tổng công suất 2 nhà máy 300.000 tấn/năm.
Tuy nhiên, với kế hoạch đầu tư của nhà đầu tư Trung Quốc sẽ tạo áp lực cạnh tranh lớn giữa các nhà sản xuất tại Việt Nam với nhau. Số lượng thép không gỉ sản xuất trong nước hiện nay đã bao gồm nhiều chủng loại (phần lớn ở dạng tấm cuộn). Do đó, nếu đầu tư thêm năng lực sản xuất thép không gỉ khoảng 300.000 tấn sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh lớn.
Đại diện doanh nghiệp sản xuất thép không gỉ cho hay, hiện thị trường sắt thép Việt Nam đang đối mặt với tình trạng nguồn cung quá tải nghiêm trọng. Thị trường sắt thép cán nguội của Việt Nam 4 năm qua tăng trưởng trung bình 8,6%/năm, nhưng theo tiêu chuẩn của năm 2016 thì nhu cầu hàng chính phẩm rất nhỏ, chỉ khoảng 200.000 tấn. Với nhu cầu thị trường như vậy, các doanh nghiệp trong nước có thừa khả năng đáp ứng.
Do vậy, nếu có sự đầu tư mới của các doanh nghiệp Trung Quốc thì tỷ lệ hoạt động của các doanh nghiệp trong nước chỉ còn dưới 30% là việc chắc chắn xảy ra. Các doanh nghiệp trong nước sẽ rất khó để tồn tại, dẫn đến hỗn loạn thị trường.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, không chỉ ảnh hưởng xấu đến nội địa, mà sản phẩm thép của Trung Quốc khi đầu tư vào Việt Nam cũng sẽ ảnh hưởng đến cả xuất khẩu.
Để giải quyết nguồn cung quá tải trong nước, nếu xuất khẩu hàng loạt sang các nước như Mỹ và Châu Âu… thì sẽ bị kiện chống bán phá giá từ các quốc gia và cũng bị nhận định là quốc gia trung gian xuất khẩu của Trung Quốc gây ảnh hưởng đến cả những sản phẩm xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước khác, đại diện một doanh nghiệp cho biết.
Đại diện doanh nghiệp này cũng cho rằng, đặc biệt vấn đề ô nhiễm môi trường cũng là vấn đề không thể bỏ qua. Đã có doanh nghiệp của Trung Quốc bị “tiền sử” nhiều lần gây ra vấn đề về môi trường tại Trung Quốc. Do vậy Chính phủ cần phải tăng cường mức độ quản lý về môi trường và hình phạt đối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Với mục đích phát triển kinh tế, thu hút nhiều đầu tư của các doanh nghiệp lớn là rất quan trọng, nhưng bây giờ là thời điểm cần sự sàng lọc. Đối với doanh nghiệp sản xuất thép Trung Quốc thì mục tiêu đầu tư tại thị trường Việt Nam là để giải quyết vấn đề nguồn cung quá tải của họ hơn là tìm kiếm nhu cầu mới.
Nhà máy mới nếu được đầu tư theo kế hoạch thì vấn đề quá tải của nguồn cung trong nước càng trở nên nghiêm trọng và cũng có thể gây ra tranh chấp thương mại. Vì thế cần tham khảo kỹ lưỡng trước khi quyết định nhận đầu tư. Đây là ý kiến chung của nhiều doanh nghiệp trong nước.
Hiện năng lực của ngành thép không gỉ của Việt Nam đang sản xuất 4 loại chính là thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, thép ống hàn, tôn mạ. Các nhà máy sản xuất các loại thép này cho đến nay mới đang hoạt động khoảng trên dưới 70% công suất, còn dư khoảng 30%, chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ thép nội địa cũng như khả năng xuất khẩu sang các nước.
Ông Nguyễn Văn Sưa cũng cho rằng, với sự phát triển của ngành thép Việt Nam, đến nay các nhà đầu tư trong nước có đủ khả năng để xây dựng cơ sở sản xuất thép với quy mô lớn 5-6 triệu tấn/năm. Do vậy, không nên khuyến khích FDI đầu tư vào những mảng sản xuất thép thông thường mà Việt Nam có thể sản xuất được.
Chỉ khuyến khích các doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực thép Việt Nam chưa sản xuất được, đó là thép hợp kim chất lượng cao để phục vụ sản xuất cơ khí, kỹ thuật có yêu cầu cao.
Nhiều doanh nghiệp cũng đồng tình rằng, thu hút đầu tư mới là rất quan trọng nhưng cần tham khảo lại nhu cầu và khả năng cung cấp trong nước. Về tổng thể, đầu tư nhằm phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển môi trường, hệ sinh thái có ý nghĩa hơn việc thu hút đầu tư tạo môi trường cạnh tranh khốc liệt.
— Thep BNews —